(1xycn3.com) Tại triển lãm Thaifex Anuga Asia 2025, cá ngừ đóng hộp nổi bật như một phân khúc đáng chú ý trong ngành thực phẩm – đồ uống, với sự tham gia của nhiều tập đoàn thủy sản hàng đầu Thái Lan như Thai Union Group và Charoen Pokphand Foods. Ngành hàng này không chỉ khẳng định vai trò chủ lực trong xuất khẩu thủy sản của Thái Lan mà còn đang thể hiện rõ các xu hướng phục hồi và chuyển đổi bền vững.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Cá ngừ Thái Lan (TTIA), trong quý I/2025, Thái Lan đã xuất khẩu 140.762 tấn cá ngừ đóng hộp, trị giá 599 triệu USD – tăng 5% về sản lượng và 1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu mạnh mẽ đến từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, trong đó riêng xuất khẩu sang Mỹ đã tăng 14%, nhờ người mua chủ động đặt hàng trước khả năng tăng thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, triển vọng tích cực này đang bị phủ bóng bởi nguy cơ thuế quan mới từ chính quyền Trump. Hiện tại, cá ngừ đóng hộp Thái Lan vào Mỹ chịu mức thuế 22,5%, nhưng nếu không có thỏa thuận gia hạn trước ngày 9/7, mức thuế có thể tăng lên 48,5%. Chủ tịch TTIA, ông Chanintr Chalisarapong, cảnh báo việc này có thể khiến xuất khẩu sang Mỹ giảm tới 60% vào năm 2026.

Về phía nguồn cung, sản lượng đánh bắt cá ngừ vằn suy giảm đã đẩy giá nguyên liệu lên 1.740 USD/tấn trong tháng 3, làm gia tăng áp lực lên các nhà chế biến. Sea Value – nhà sản xuất cá ngừ đóng hộp lớn thứ hai Thái Lan – dù đạt doanh thu kỷ lục 1 tỷ USD trong năm 2024 và đặt mục tiêu duy trì mức này trong năm 2025, cũng thừa nhận môi trường thương mại đang trở nên ngày càng khó lường do chính sách của Mỹ, biến động nguyên liệu và tỷ giá.
Dù vậy, ngành cá ngừ Thái Lan vẫn kiên định theo đuổi con đường phát triển bền vững. Khoảng 60% sản phẩm cá ngừ hiện nay đạt chứng nhận MSC và được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ và Nhật Bản. Thái Lan cũng đã cải thiện hoạt động đánh bắt bằng lưới vây theo hướng khoa học, với tất cả các loài ở vùng Tây Thái Bình Dương hiện nằm trong “vùng xanh” về nguồn lợi.
TTIA hiện tham gia nhiều sáng kiến toàn cầu như Hội đồng Quản lý Biển (MSC) và hợp tác với các tổ chức phát triển bền vững ngành thủy sản. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ngành cần đầu tư thêm vào hạ tầng truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ ngư dân quy mô nhỏ, nhằm đảm bảo toàn bộ chuỗi giá trị đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.