(1xycn3.com) Trong bối cảnh XK cá tra sang EU đang chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt từ các quy định kỹ thuật và xu hướng tiêu dùng bền vững, thị trường Nam Mỹ nổi lên như một điểm đến tiềm năng thay thế, đặc biệt là khối Mercosur (gồm Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay). Với tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Mercosur đang được thúc đẩy, triển vọng để biến Mercosur trở thành "EU thứ hai" của cá tra Việt Nam đang ngày càng rõ nét.
Mercosur - Khối kinh tế lớn, tiềm năng rộng mở
Mercosur hiện là khối kinh tế lớn thứ năm thế giới về quy mô dân số với hơn 600 triệu người, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng và nhu cầu tiêu dùng thực phẩm NK ngày càng lớn. Trong bối cảnh người tiêu dùng Nam Mỹ đang ngày càng chú trọng đến dinh dưỡng lành mạnh, protein động vật có nguồn gốc từ thủy sản, đặc biệt là cá thịt trắng, được xem là lựa chọn thay thế hợp lý cho thịt đỏ - một xu hướng đã và đang phổ biến tại EU trong suốt thập kỷ qua.
Trong số các loại cá thịt trắng, cá tra của Việt Nam đang chiếm ưu thế rõ rệt tại một số quốc gia thuộc khối Mercosur, đặc biệt là Brazil và Colombia - nước quan sát viên của Mercosur. Điều này mở ra cơ hội rất lớn để cá tra Việt Nam mở rộng thị phần tại khu vực này nếu FTA được ký kết.
Brazil hiện là thị trường dẫn đầu khu vực Nam Mỹ về NK cá tra Việt Nam và là thị trường tiêu thụ cá tra Việt Nam nhiều thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính đến ngày 15/5/2025, XK cá tra sang Brazil đạt 70 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu mới nhất, trong quý I/2025, XK thủy sản Việt Nam sang Brazil đạt 48,2 triệu USD, tăng 73%.
Thị hiếu tiêu dùng Nam Mỹ: “Bản sao” đầy tiềm năng của EU
Mercosur có thể trở thành "EU thứ hai" của cá tra Việt Nam do sự tương đồng về cấu trúc tiêu dùng thủy sản. Người dân đô thị tại Brazil, Colombia hay Argentina đang ngày càng quan tâm đến dinh dưỡng lành mạnh, sử dụng protein động vật có hàm lượng chất béo thấp, giàu Omega-3, dễ chế biến.
Cá tra Việt Nam, với đặc điểm thịt trắng, mềm, ít xương, không mùi tanh và giá thành hợp lý, trở thành lựa chọn tối ưu thay thế cho cá tuyết, cá minh thái NK từ Bắc Mỹ hoặc châu Âu vốn có giá cao. Hơn nữa, các chuỗi siêu thị lớn tại Nam Mỹ đang gia tăng tỷ trọng hàng NK, trong đó cá tra dạng phile đông lạnh hoặc sản phẩm giá trị gia tăng như cá tẩm bột, cá cắt khúc, cá viên... ngày càng được người tiêu dùng chấp nhận.
Xu hướng tiêu dùng này khá tương đồng với hành vi tiêu dùng tại EU - thị trường từng là đầu tàu của cá tra Việt Nam trong suốt một thời gian dài. Điều này lý giải vì sao nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá Mercosur là "EU mới" cho ngành cá tra Việt Nam.

FTA Việt Nam - Mercosur: Cú hích chiến lược cho ngành cá tra
Tháng 6/2023, hai bên chính thức tuyên bố khởi động tiến trình nghiên cứu khả thi FTA Việt Nam - Mercosur. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động, FTA này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn là bước tiến chiến lược trong tái cấu trúc thị trường XK thủy sản của Việt Nam, với cá tra là ngành hàng được kỳ vọng nhất.
Việc ký kết FTA sẽ giúp gỡ bỏ các rào cản thuế quan vốn vẫn đang áp dụng khá cao tại một số quốc gia Mercosur, đặc biệt là Argentina và Uruguay. Điều này giúp nâng cao khả năng cạnh tranh về giá của cá tra Việt Nam so với các sản phẩm nội địa và các nước XK khác như Trung Quốc, Ấn Độ;
Ngoài ra, Mercosur hiện đang dần nâng cao các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để tiệm cận với thông lệ quốc tế. Việc sớm xây dựng các cơ chế công nhận lẫn nhau về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc... sẽ giúp cá tra Việt Nam dễ dàng tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường một cách bền vững;
Hơn thế nữa, FTA sẽ tạo điều kiện để DN hai bên mở rộng hợp tác logistics, phát triển các trung tâm phân phối, kho lạnh, từ đó rút ngắn thời gian giao hàng và giảm chi phí vận chuyển - vốn là một trong những rào cản lớn nhất hiện nay.
Rào cản và hướng khắc phục
Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả thị trường này, các DN XK cá tra Việt Nam cũng cần nhận diện rõ các thách thức. Trước hết là vấn đề logistics: chi phí vận chuyển đường biển đến Nam Mỹ vẫn cao, thời gian giao hàng dài, ảnh hưởng đến độ tươi và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Thêm vào đó, mặc dù tiêu chuẩn kỹ thuật chưa gắt gao như EU hay Mỹ, nhưng các nước Mercosur đang siết dần các quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì sinh thái... DN Việt Nam nếu không chủ động đáp ứng sớm sẽ dễ bị động khi thị trường siết chặt kiểm soát.
Bên cạnh đó, cạnh tranh nội khối cũng cần tính đến. Argentina, Uruguay và cả Chile (nước liên kết) đều có sản phẩm cá nước ngọt, hải sản bản địa. Dù sản lượng không lớn nhưng có lợi thế về khoảng cách địa lý và chi phí.
Để biến Mercosur trở thành EU thứ hai cho cá tra Việt Nam, cần một chiến lược tổng lực, đồng bộ từ chính phủ đến DN:
Đẩy mạnh đàm phán và ký kết FTA Việt Nam - Mercosur trong thời gian sớm nhất, với các ưu đãi thuế đặc biệt dành cho nhóm hàng thủy sản; Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng hình ảnh quốc gia cho cá tra Việt Nam tại các hội chợ thực phẩm quốc tế ở Brazil, Argentina, Colombia; Đầu tư phát triển logistics xuyên lục địa, hợp tác với DN bản địa xây dựng chuỗi cung ứng lạnh, trung tâm phân phối; Đổi mới sản phẩm phù hợp thị hiếu; Chuẩn hóa quy trình sản xuất - truy xuất nguồn gốc, áp dụng các chứng nhận ASC, BAP, Halal... để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà NK.
Nam Mỹ đang trỗi dậy mạnh mẽ trong bản đồ thương mại toàn cầu và là một trong những điểm đến hấp dẫn cho ngành thủy sản Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng XK cá tra sang Brazil, Colombia, Argentina... ấn tượng như hiện nay, cộng với sự tương đồng trong cấu trúc tiêu dùng với EU, khối Mercosur hoàn toàn có thể trở thành "EU thứ hai" của cá tra Việt Nam trong tương lai gần.
Cơ hội đang rất rõ ràng, nhưng để chinh phục thị trường này một cách bền vững, cá tra Việt Nam cần đi trước một bước, chủ động trong cải tiến sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối, và quan trọng nhất là đẩy nhanh tiến trình FTA Việt Nam - Mercosur. Nếu làm tốt, ngành hàng cá tra hoàn toàn có thể thu về thêm hàng trăm triệu USD từ thị trường rộng lớn và đang khát nguồn cung protein lành mạnh như cá tra.