(1xycn3.com) Thị trường cua tuyết toàn cầu đang bước vào giai đoạn giao dịch sôi động nhất trong năm, với cua tuyết Canada tiếp tục giữ vai trò chủ lực. Từ tháng 4 đến tháng 7, khoảng 75-80% sản lượng cua tuyết Canada được xuất sang Mỹ.

Canada hiện dẫn đầu thế giới về sản lượng cua tuyết với hạn ngạch khai thác tối đa (TAC) năm 2025 lên tới 94.724 tấn. Nhờ Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada (USMCA), cua tuyết Canada được miễn thuế nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Dự báo lượng nhập khẩu cua tuyết từ Canada sẽ đạt hoặc vượt mức 112,9 triệu pound ghi nhận vào năm 2024. Kênh bán lẻ vẫn là động lực chính thúc đẩy nhu cầu, chiếm 60 – 65% tổng doanh số cua tuyết tại Mỹ. Tuy nhiên, giá cua tuyết năm 2025 hiện cao hơn từ 30 – 50% so với năm trước, dấy lên lo ngại về khả năng duy trì nhu cầu tiêu dùng trong dài hạn ở mức giá cao.
Trong khi đó, nhập khẩu cua tuyết Na Uy vào Mỹ đã tăng 68% tính đến hết tháng 4, nhờ vào kích cỡ đẹp, chất lượng cao và chứng nhận MSC (Hội đồng Quản lý Biển). Giá cua Na Uy loại 5-8oz hiện đã ngang bằng với sản phẩm cao cấp từ vùng vịnh St. Lawrence. Dù vậy, mức thuế nhập khẩu 10% mà Mỹ áp lên thủy sản Na Uy đang khiến mặt hàng này kém cạnh tranh hơn hẳn so với cua Canada và Alaska.
Xuất khẩu cua hoàng đế đỏ của Na Uy sang Mỹ cũng đang tăng tốc. Tính đến hết tháng 4, Mỹ chiếm 62% về sản lượng và 70% về giá trị xuất khẩu cua hoàng đế đỏ của Na Uy. Lượng cua đông lạnh xuất sang Mỹ đã vượt mức cả năm 2024 và tăng đến 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, các nhà sản xuất cua Nga vẫn tập trung xuất khẩu cua sống sang thị trường châu Á. Riêng tháng 4, hơn 90% lượng cua Nga xuất sang Trung Quốc và Hàn Quốc là cua sống. Lượng cua sống xuất sang Trung Quốc tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản vẫn là điểm đến chính cho cua hoàng đế và cua tuyết chế biến sẵn, tuy nhiên sản lượng nhập khẩu đang sụt giảm đáng kể.
Tại Nhật, các cơ sở chế biến cua ở Hokkaido đã đẩy mạnh sản xuất cua hoàng đế và cua tuyết đông lạnh trong năm 2025, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ thị trường Mỹ. Các hợp tác xã đánh bắt vừa và nhỏ ở miền Bắc Nhật Bản cũng đang mở rộng quy mô chế biến cua đánh bắt tại địa phương.
Tổng hợp.