(1xycn3.com) Theo nhận định của ít nhất một chuyên gia trong ngành, quyết định của Iran về việc đóng cửa eo biển Hormuz sau các cuộc không kích của Mỹ được cho là sẽ không gây ra sự gián đoạn lớn đối với thương mại hải sản trong khu vực.

Theo ông Arnab Sengupta - một chuyên gia lâu năm về thương mại thủy sản với Trung Đông, nhiều quốc gia giáp Vịnh Ba Tư, bao gồm Ả Rập Xê Út, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất chắc chắn đang rất lo ngại trước việc Mỹ thực hiện không kích vào các cơ sở hạt nhân ở Iran, cũng như cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Iran để thông qua quyết định đóng cửa Eo biển Hormuz. Các nhà xuất khẩu thủy sản sang Trung Đông cũng khó có thể cảm thấy yên tâm.
Hàng trăm triệu đô la giá trị thủy sản được nhập khẩu bởi các quốc gia Vịnh Ba Tư, bao gồm Ả Rập Xê Út (157,6 triệu USD), Kuwait (208,4 triệu USD) và chính Iran (29,4 triệu USD).
Tuy nhiên, cho đến nay, eo biển vẫn mở và nhiều người hoài nghi về khả năng đóng cửa tuyến đường vận chuyển này bởi điều đó sẽ gây ra sự căng thẳng với các quốc gia láng giềng – những nước đang sử dụng tuyến đường này để vận chuyển khoảng 20% lượng dầu của thế giới.
Ông Sengupta – một chuyên gia kỳ cựu trong ngành cá ngừ với hơn 20 năm kinh nghiệm xuất nhập khẩu hải sản tại khu vực Trung Đông – nằm trong số những người tỏ ra nghi ngờ khả năng Iran sẽ thực sự đóng cửa tuyến đường này: "Trừ khi Iran thực sự sẵn sàng áp dụng một cách tiếp cận mang tính hủy diệt hoàn toàn thì khả năng họ thực hiện việc đóng cửa eo biển là rất thấp".
Ông cho biết thêm, nếu điều đó xảy ra, phần lớn các quốc gia vùng Vịnh vẫn có những phương án thay thế khả thi để xuất nhập khẩu hải sản cũng như các mặt hàng khác: "Ả Rập Xê Út có thể chuyển hướng qua các cảng biển Đỏ như Jeddah. Các thành phố của Oman như Salalah và Muscat cũng cung cấp một lối ra khác, đặc biệt cho các nhà xuất khẩu đến từ UAE. Kuwait và Bahrain có thể đối mặt với một số khó khăn về hậu cần nhưng các tuyến đường bộ qua Ả Rập Xê Út và Jordan vẫn mở và hoạt động tốt."
Mặc dù có thể xảy ra một số chậm trễ và chi phí tăng do chuyển từ vận tải biển sang đường bộ, tác động tổng thể đến xuất nhập khẩu thủy sản được dự kiến là có thể kiểm soát được: "Các tuyến đường bộ đã được sử dụng và thường được ưu tiên cho các sản phẩm nhạy cảm với thời gian. Trong một số trường hợp, nó còn nhanh hơn so với việc chờ thông quan tại cảng."
Tuy nhiên, ông Sengupta cũng cảnh báo rằng các lô hàng dầu mỏ, vốn phụ thuộc nhiều vào các tàu chở dầu lớn, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Dầu mỏ không dễ dàng chuyển hướng như thủy sản đóng container, nó cần các cảng nước sâu và cơ sở hạ tầng đặc thù.
Theo Financial Times đưa tin ngày 22/6, giá dầu Brent đã tăng vượt ngưỡng 80 USD/thùng – mức cao nhất trong 5 năm – sau các cuộc không kích của Mỹ vào Iran, nhưng sau đó đã giảm trở lại khi nguồn cung dầu thô vẫn không bị ảnh hưởng.